Từ những kết quả trong việc thực hiện thí điểm học bạ số cấp tiểu học trong năm học 2023 - 2024, từ năm học 2024 - 2025, học bạ số sẽ chính thức được áp dụng ở tất cả các trường tiểu học, THCS, THPT trong toàn tỉnh Khánh Hòa.
Đã thí điểm ở tất cả các trường tiểu học
Trước khi triển khai học bạ số, học bạ điện tử đã được triển khai tích hợp trên hệ thống vnEdu của VNPT và SMAS của Viettel. Tuy nhiên, việc ứng dụng học bạ điện tử và lưu trữ học bạ dạng PDF trên hệ thống chưa được hướng dẫn rõ ràng nên các trường chỉ dừng lại ở mức độ thử nghiệm. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về triển khai thí điểm học bạ số ở cấp tiểu học, cuối tháng 3-2024, Sở GD-ĐT đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, với mục tiêu 178/178 trường có học sinh (HS) tiểu học trên địa bàn tỉnh tham gia thí điểm học bạ số đối với HS từ lớp 1 đến lớp 4 (các khối lớp thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 năm học 2023 - 2024). Các trường đã phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ (VNPT Khánh Hòa, Viettel Khánh Hòa) nâng cấp phần mềm quản trị nhà trường, bổ sung chức năng học bạ số, trang bị chữ ký số cho 100% cán bộ quản lý và giáo viên tiểu học; đăng ký chứng thư số lên Cổng tiếp nhận cơ sở dữ liệu học bạ số của Sở GD-ĐT.
Học sinh Trường Tiểu học Diên An 2 (huyện Diên Khánh).
Ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, thời gian đầu khi mới triển khai thí điểm học bạ số, giáo viên và nhà trường chưa quen thao tác, cách thực hiện, đồng thời có một số lỗi về kỹ thuật, đồng nhất dữ liệu... Sở GD-ĐT đã phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ giám sát, hỗ trợ kịp thời. Tính đến ngày 9-9, có 100% trường tiểu học đã duy trì nộp cơ sở dữ liệu học bạ số về Cổng tiếp nhận cơ sở dữ liệu học bạ số cấp tiểu học của Sở GD-ĐT, vượt so với chỉ tiêu của Bộ GD-ĐT là 50% trường tiểu học tham gia thí điểm học bạ số. Số lượng học bạ số đã được phê duyệt, phát hành thành công là 87.180/87.601 HS, đạt 99,5%. Số lượng học bạ số bị lỗi chưa nộp được là do một số nguyên nhân như: Cha mẹ chưa đăng ký mã số định danh cá nhân cho HS, HS người nước ngoài nên không có mã số định danh cá nhân, khác biệt dữ liệu trên phần mềm quản trị nhà trường của nhà cung cấp dịch vụ với hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu ngành...
Sẽ áp dụng ở tất cả các cấp học
Cô Lê Hoàng Việt Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Lập 1 (TP. Nha Trang) cho biết, các cán bộ, giáo viên đã được tập huấn rất kỹ trong quá trình thí điểm học bạ số, đơn vị cung cấp dịch vụ học bạ số cũng hỗ trợ chu đáo cho nhà trường. Đồng thời, nhà trường thành lập ban hỗ trợ gồm các giáo viên trẻ giỏi về công nghệ thông tin để hướng dẫn thêm cho các giáo viên trong toàn trường. Trong năm học 2023 - 2024, việc triển khai học bạ số được thực hiện thuận lợi, đạt 100% chỉ tiêu. Thầy Trần Văn Lắm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Diên An 2 (huyện Diên Khánh) cho biết, trong năm học 2023 - 2024, có 226 HS từ lớp 1 đến lớp 4 của trường đã được tạo lập và duy trì học bạ số, đạt 100%. Thời gian đầu thực hiện có một số trục trặc nhỏ về kỹ thuật nhưng đã được khắc phục kịp thời. Trong năm học 2024 - 2025, khi triển khai đối với cả khối lớp 5, nhà trường dự kiến sẽ có 285 học bạ số.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, qua thí điểm, sở đã rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo, thực hiện kỹ thuật công nghệ đối với nhiệm vụ tạo lập, ký số, phát hành học bạ số. Thực hiện kế hoạch của Bộ GD-ĐT, sắp tới, toàn tỉnh sẽ triển khai thí điểm học bạ số ở cấp trung học, trên cơ sở đó, đến cuối năm học 2024 - 2025, từ cấp tiểu học đến THPT, giáo dục thường xuyên sẽ chính thức áp dụng học bạ số. Ngay từ bây giờ, các cán bộ quản lý cần nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số, làm chủ phần mềm quản trị nhà trường, trong đó có chức năng học bạ số. Đối với giáo viên, thời gian tạo lập và ký số học bạ số vào cuối năm học không nhiều, đòi hỏi phải cẩn trọng, chính xác trong nhận xét kết quả học tập và rèn luyện của HS. Về phía cha mẹ HS, một bộ phận chưa có điện thoại thông minh nên việc tiếp cận học bạ số sẽ gặp khó khăn nhất định. Thời gian đầu, các trường sẽ tiếp tục phát hành học bạ giấy, trong đó có mã số học bạ để cha mẹ HS làm quen với việc tra cứu học bạ số.
Để áp dụng học bạ số hiệu quả, Sở GD-ĐT cần được đầu tư hạ tầng, thiết bị, phần mềm để vận hành và lưu trữ học bạ số tại Cổng tiếp nhận cơ sở dữ liệu học bạ số của sở. Mỗi trường cần bố trí nhân viên phụ trách công nghệ thông tin để có thể tiếp nhận đầy đủ các nội dung triển khai, hỗ trợ các giáo viên lớn tuổi; có giải pháp trang bị chữ ký số miễn phí cho cán bộ quản lý và giáo viên hoặc cấp kinh phí cho các trường trang bị chữ ký số thông qua các nhà cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cần xây dựng kế hoạch triển khai học bạ số cho 100% các cấp học và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh, toàn quốc và kết nối liên thông học bạ đến các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc. Đồng thời, ban hành quy chế tạo lập, quản lý, sử dụng học bạ số trên toàn quốc; ban hành văn bản quy định việc thực hiện nhiệm vụ học bạ số gửi UBND các tỉnh, thành phố để thống nhất chỉ đạo, qua đó các địa phương có trách nhiệm đầu tư thiết bị, cơ sở vật chất, đội ngũ... thực hiện nhiệm vụ này.
Theo baokhanhhoa.vn.