ĐÌNH PHÚ NÔNG
Đình Phú Nông tọa lạc tại thôn Phú Nông, xã Vĩnh Ngọc, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà; thờ các vị: Bản Cảnh Thành Hoàng, Tiền Hiền, Hậu Hiền, Thần Nông Hoàng Đế, Tiền Bối, Hậu Bối, Sơn Lâm Chúa Tướng, Thổ Công, Âm Cô, Chiến sỹ…
Bố cục mặt bằng tổng thể của Đình Phú Nông bao gồm các hạng mục: Nghi Môn, Án Phong, Miếu Sơn Lâm Chúa Tướng, Nhà thờ Tiền Hiền - Hậu Hiền, Miếu Thổ Công.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Vĩnh Ngọc là bàn đạp quan trọng của lực lượng cách mạng để tiến vào hoạt động trong nội ô Nha Trang. Đặc biệt, Vĩnh Ngọc có núi Hòn Thơm, Hòn Nghê là những căn cứ địa cách mạng, nơi đóng các cơ quan chỉ đạo kháng chiến, các đội công tác vũ trang hoạt động trong vùng… Từ đây, con đường liên lạc bí mật nối liền các căn cứ địa cách mạng ở vùng phía Tây như Đồng Bò qua các bến đò, các thôn xóm của xã Vĩnh Ngọc được rút ngắn góp phần cho sự chỉ đạo của cấp trên tới cơ sở nhanh chóng và kịp thời .
Đình Phú Nông còn là địa điểm gắn liền với các sự kiện lịch sử, góp phần vào thắng lợi chung của quân và dân Khánh Hòa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc:
- Trước tháng 8/1945, làng Phú Nông có Đội Tự vệ và Đội Thiếu niên được bí mật thành lập. Đình Phú Nông là nơi lực lượng tự vệ tập họp đi thu triện, giấy tờ của Lý trưởng trong những ngày khởi nghĩa tháng 8/1945. Đình cũng là địa điểm ra mắt UBND cách mạng lâm thời của Phú Nông.
- Đơn vị Bắc Bắc trên đường Nam tiến cũng đã dừng chân nghỉ tại đình.
- Sau thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng 8/1945, các đoàn thể quần chúng ở xã Vĩnh Ngọc phát triển mạnh mẽ. Thanh niên hăng hái gia nhập lực lượng tự vệ, thôn Phú Nông cũng đã thành lập được 01 Trung đội dân quân tự vệ. Sau khi Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa bùng nổ ngày 23/10/1945, Đình là nơi đi lại liên lạc với lực lượng kháng chiến của các đồng chí cán bộ cách mạng; là điểm hội tụ, xuất phát nguồn tiếp tế nhân lực, vật lực cho tuyến trước.
- Tháng 4/1949, quân và dân xã Vĩnh Ngọc tấn công đồn Bang Tá do 02 Trung đội lính Lê Dương trấn giữ. Trong đó có một cánh quân tập kết chuẩn bị tại địa điểm Đình Phú Nông. Các cuộc hội họp, triển khai kế hoạch chung đều được triển khai ở Đình.
- Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đình Phú Nông là nơi xuất phát các cuộc rải truyền đơn vạch rõ âm mưu thâm độc của kẻ thù, đồng thời kêu gọi đồng bào đứng lên chống lại quân xâm lược. Đình còn là nơi nhóm họp, bàn việc của các đồng chí cán bộ cách mạng qua nhiều thời kỳ.
- Đêm 15/3/1963, xuất phát từ Đình Phú Nông, quân và dân làng Phú Nông đã phá tan kế hoạch lập hàng rào ấp chiến lược của quân địch khiến chúng phải rút chạy.
Di tíchđược các vua triều Nguyễn ban tặng 05 đạo sắc phong:
- 01 sắc phong niên hiệu Tự Đức năm thứ 05 (1852);
- 01 sắc phong niên hiệu Tự Đức năm thứ 33 (1880);
- 01 sắc phong niên hiệu Đồng Khánh năm thứ 02 (1887);
- 01 sắc phong niên hiệu Duy Tân năm thứ 03 (1909);
- 01 sắc phong niên hiệu Khải Định năm thứ 09 (1924).
Lễ hội truyền thống tại Đình làng Phú Nông diễn ra vào khoảng thời gian tháng 3 Âm lịch hàng năm; 3 năm một lần, tại di tích lại diễn ra nghi thức hát Bội, thu hút đông đảo cộng đồng dân cư tham dự.
Tại Đình Phú Nông, hệ thống kết cấu khung gỗ vẫn còn được bảo lưu; các hoa văn, họa tiết trang trí trên các cấu kiện kiến trúc được thể hiện tinh tế, sinh động, giàu tính biểu cảm và nghệ thuật. Ngoài ra, di tích còn lưu giữ được các hiện vật có giá trị về văn hóa, khoa học, lịch sử… Tiêu biểu là 03 bức Hoành Phi có niên đại dưới các triều vua Nguyễn:
- Hoành Phi “Địa linh nhân kiệt” (Đất thiêng người giỏi) có niên đại năm 1902 (niên hiệu Thành Thái năm thứ 14);
- Hoành Phi “Phú Nông Đình” (Đình Phú Nông) có niên đại năm 1919 (niên hiệu Khải Định năm thứ 04);
- Hoành Phi “Thiên ân bao tặng” (Ơn trời ban tặng) có niên đại năm 1939 (niên hiệu Bảo Đại năm thứ 15).
Cũng tại Đình Phú Nông còn treo 01 tấm Bảng phương danh công đức có niên đại vào năm 1918 (niên hiệu Khải Định năm thứ 03).
Ngày 22/8/2007, Đình Phú Nông được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 1521/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa./.