Hiện nay, xu hướng người dân đọc tin tức qua mạng, sử dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, không gian mạng với đặc tính dễ ẩn danh, lan truyền nhanh đã trở thành môi trường thuận lợi cho hoạt động phát tán tin giả, tin sai sự thật. Tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng có nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội…, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân; ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, gây thiệt hại về kinh tế… Nhiều thông tin thiếu kiểm chứng, bịa đặt, phản cảm được người dùng mạng xã hội chia sẻ rộng rãi gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Trong bối cảnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện cuốn “Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng” với mục tiêu:
– Nâng cao nhận thức về trách nhiệm trên không gian mạng cho người dùng Internet ở Việt Nam.
– Cung cấp các thông tin, kỹ năng cơ bản để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia không gian mạng có kiến thức tổng quan, cần thiết để nhận biết, ứng phó và xử lý có hiệu quả với tình trạng tin giả, tin sai sự thật có xu hướng tăng trên không gian mạng hiện nay.
Nội dung Cẩm nang
Nội dung của Cẩm nang bao gồm một phần tóm tắt ngắn gọn, dễ hiểu, dễ sử dụng, là những kỹ năng cơ bản để người sử dụng có thể nhận biết, ứng phó và xử lý có hiệu quả khi gặp một tin giả, tin sai sự thật.
Nội dung chính tập trung trình bày những kiến thức cụ thể: Khái niệm tin giả trên không gian mạng; Hướng dẫn nhận biết tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng; Tác động của tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng; Trách nhiệm của người dùng và nhà cung cấp dịch vụ khi hoạt động trên không gian mạng; Quy trình rà quét, phát hiện và xử lý tin giả trên không gian mạng; Các quy định xử phạt; Những câu hỏi thường gặp.
Những câu hỏi thường gặp:
Thế nào là tin giả trên không gian mạng?
Những hành vi nào bị cấm khi sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng?
Mức xử phạt đối với hành vi đăng tải tin giả, thông tin sai sự thật trên không gian mạng là gì?
Làm thế nào để xác định một thông tin nào đó trên mạng có phải là tin giả, thông tin sai sự thật?
Để thông báo, phản ánh khi phát hiện tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng thì cần thông báo cho ai?
Cơ quan nào có trách nhiệm công bố tin giả?
Cách xử lý khi phát hiện tài khoản trên mạng xã hội bị giả mạo là gì?
Mức phạt trong trường hợp đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ trên mạng là gì?
Trường hợp tài khoản mạng xã hội của cá nhân/tổ chức bị mất quyền kiểm soát, chủ tài khoản có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu tài khoản bị sử dụng để đăng tải, chia sẻ tin giả, thông tin sai sự thật hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác không?
Nếu cá nhân phát hiện tin giả, thông tin sai sự thật trên không gian mạng nhưng không thông báo, tố giác thì có bị truy cứu trách nhiệm pháp lý không?
Chủ tài khoản nếu vô tình chia sẻ tin giả, thông tin sai sự thật thì có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hay không?
Cách khắc phục khi phát hiện bản thân đang chia sẻ tin giả, thông tin sai sự thật trên mạng là gì?
Những tiêu chí, yêu cầu đối với thông tin phản ánh về tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng?
Mức xử phạt với hành vi đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật trên mạng (ví dụ: Đặt quảng cáo vào nội dung xuyên tạc, sai sự thật) là gì?
Đối tượng nào cần tuân thủ các quy tắc ứng xử trên mạng xã hội?
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại khi bị xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm trên mạng xã hội như thế nào?
Những quy định cần tìm hiểu liên quan đến hoạt động sử dụng thông tin trên mạng?
(chi nội dung sách tại: https://vn-cop.vn/uncategorized/cam-nang-phong-chong-tin-gia-tin-sai-su-that-tren-khong-gian-mang.html ).
Nguồn: VN-COP tổng hợp./.