Với chủ đề “Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để xây dựng Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030”, Hội thảo khoa học cấp bộ do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Khánh Hòa phối hợp tổ chức vào ngày 17-10, tại TP. Nha Trang đã ghi nhận nhiều đề xuất quan trọng. Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Triệu Long - Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III; Thạc sĩ Lưu Hồng Vân - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có hơn 200 nhà lãnh đạo, chuyên gia, nhà nghiên cứu…
|
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân phát biểu tại hội thảo. |
|
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi phát biểu đề dẫn hội thảo. |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Bình - giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng nhìn nhận, Khánh Hòa là một trong những tỉnh phục hồi sớm nhất, nhanh nhất sau đại dịch Covid-19; tốc độ tăng trưởng của tỉnh những năm gần đây thực sự ấn tượng. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh không chỉ thực hiện mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, mà còn là một trong những tỉnh dẫn đầu Việt Nam và khu vực. Nhiều đại biểu nhận định, Khánh Hòa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và kinh tế với cửa ngõ hướng biển, có vai trò kết nối vùng Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ ra các vùng, miền trong cả nước và quốc tế. Vì vậy, ngoài huy động, thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, tỉnh cần tranh thủ những lợi thế về địa chính trị; liên kết chặt chẽ với các tỉnh lân cận và các địa phương trong, ngoài vùng; phát huy vai trò là trung tâm của tiểu vùng Nam Trung Bộ và gắn kết với khu vực Tây Nguyên. Tiến sĩ Võ Văn Lợi - Trưởng khoa Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị khu vực III nhấn mạnh, tỉnh cần thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù của Trung ương nhằm thúc đẩy phát triển tỉnh. Ông Trần Văn Châu - Giám đốc Sở Xây dựng phân tích, để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Khánh Hòa phải đạt được nhiều tiêu chí. Hiện nay, Khánh Hòa đã đạt được nhiều tiêu chí như: Quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện… Tuy nhiên, tỉnh cũng còn một số tiêu chí chưa đạt, cần tiếp tục phấn đấu như: Trình độ phát triển kinh tế - xã hội, thu nhập bình quân, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp...
Đề xuất nhiều giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu đề ra
Nhiều đại biểu cho rằng, việc khai thác hiệu quả, hợp lý những tiềm năng, lợi thế nổi trội cùng với quy hoạch tỉnh theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành sẽ tạo ra đột phá mới cho Khánh Hòa. Tỉnh cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế hợp tác, liên kết thực chất, hiệu quả, có định hướng, tầm nhìn dài hạn; tập trung làm tốt công tác xây dựng quy hoạch, thực hiện, quản lý, kiểm tra quy hoạch; gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư, tập trung vào 3 vùng động lực kinh tế của tỉnh (Khu Kinh tế Vân Phong, TP. Nha Trang và khu vực vịnh Cam Ranh)…
Theo ông Trần Văn Châu, để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Khánh Hòa phải đạt tiêu chí đô thị loại I. Tỉnh đã ban hành chương trình phát triển đô thị và kế hoạch tổng thể triển khai với lộ trình cụ thể. Để thu hút nguồn lực thực hiện chương trình trong khi nguồn vốn ngân sách hạn chế, tỉnh cần tận dụng mọi lợi thế của địa phương, vận dụng tối đa cơ chế, chính sách Trung ương đã ban hành cho tỉnh, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, gắn với việc sắp xếp các đơn vị hành chính. Một số ý kiến nêu, cần thúc đẩy chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh; phát triển Khu Kinh tế Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, là động lực phát triển của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ đến năm 2030; phát huy vai trò của TP. Nha Trang - đô thị hạt nhân, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh; quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung tháo gỡ các dự án đang vướng mắc về pháp lý... Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Bình cho rằng, ngoài yếu tố “thiên thời, địa lợi”, cần sự đồng lòng quyết tâm từ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh để khơi dậy khát vọng phát triển, tạo sức mạnh tổng hợp để đạt các mục tiêu đề ra.
|
Các vị lãnh đạo và đại biểu chụp hình lưu niệm tại hội thảo. |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Triệu Long đánh giá, hội thảo đã chia sẻ nhiều trăn trở về thu hút đầu tư, giải phóng mặt bằng, phát triển kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh, chủ quyền biển, đảo, với phát triển văn hóa, phát triển bền vững, hiện đại; gợi mở được nhiều vấn đề để tỉnh thực hiện nhằm đáp ứng các tiêu chí trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, phát huy được đặc thù, lợi thế địa phương. Hội thảo đã củng cố niềm tin xứ Trầm Hương sẽ sớm hiện thực hóa được mục tiêu đề ra vào năm 2030.
Ông NGUYỄN TẤN TUÂN - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Giai đoạn 2025 - 2030 là thời gian “nước rút” của tỉnh hướng đến mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Những thành quả đạt được của gần 40 năm đổi mới trên địa bàn tỉnh cùng kết quả đạt được sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết số 09 sẽ tạo ra động lực, cơ hội để Khánh Hòa vượt qua khó khăn, bứt phá phát triển và về đích đúng kế hoạch. Tỉnh sẽ tập trung khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân về xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy kinh tế biển làm nền tảng phát triển; đẩy mạnh khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; huy động hiệu quả các nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, liên kết, hợp tác với các địa phương; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Bài, ảnh: NGUYỄN VŨ